Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

CON VÀ CHA MẸ





1.
Năm 1986.
Tôi lách qua cánh cửa sắt kéo, dựng chiếc xe đạp cũ kỷ cạnh 3 chiếc DD đỏ và chiếc cúp 78 - thời 1986, mấy chiếc xe này là một gia tài lớn. Theo chân bà cụ trọng tuổi lên lầu, vừa bước tới của phòng, tôi nghe một mùi hôi thối xông vào mũi. Bước hẳn vào, té ra là gian bếp rộng. Góc bếp là bộ ván gỏ, bệnh nhân nằm co quắp cả hai tay lẫn chân như con tôm rim.Tiến đến gần bệnh nhân, ông nằm thiêm thiếp, tôi quay lại định hỏi bà cụ thì bà biến mất hồi nào không rõ. Nhìn lại, phân tươi bê bết quần ông, nhìn kỹ hơn thì phân khô cũng rãi rác khắp bộ ván lẫn bộ quần áo của ông không biết mấy ngày chưa thay. Chờ một lúc lâu, có lẽ cũng khoảng 15 phút, tôi mới thấy bà cụ trở lại với lời phân bua “nảy giờ tui mắc đi mua đồ ăn sáng cho mấy cậu mấy cô, thầy ra ngoài chờ tui một lát, tui dọn dẹp rồi thầy hãy vô”. Sau khi châm xong mấy cây kim cho bệnh nhân, tôi hỏi bà cụ.
-          mấy cô cậu làm gì mà bác phải đi mua ăn sáng cho họ, sao họ không tự đi ra ngoài ăn?
-          họ ngủ cho tới giờ đi làm mới dậy. Ngày nào tui cũng phải đi mua đồ ăn sáng cho họ.
-          không ai phụ bác làm vệ sinh cho ông già à?
-          Không. Một mình tui phải lo mọi việc trong nhà và lo cho ông ấy. Nên tui không thể nào chu đáo được, thầy thông cảm.
Xong việc, tôi ra về và không bao giờ trở lại căn nhà 3,4 tầng gì đó ở  đường Phạm Hồng Thái (tên trước 1975),khu vực Ngã Sáu Phù Đổng nữa. Không biết bà già giúp việc, ông bệnh nhân khốn khổ đó và các con của ông sau này ra sao?! Cho tới bây giờ, từ anh lang trở thành ông lang, tôi cũng không hiểu vì sao mà 4 người con đều là công nhân viên nhà nước, có học vấn mà lại có thể xử sự với cha mình như thế!??

2.
Năm 1993.
Sau khi luồn lách qua mấy lần quẹo trong hẽm nhỏ ở Ngã Ba Chú Ía, tôi chui vào một mái tole mục phũ trên ba bức vách gạch mộc loang lở. Nhìn lại thì cửa chính là một tấm liếp tre, cửa sổ chỉ là ô gạch bỏ trống. Bà bệnh nhân nằm trên một miếng ván ép cũ kê trên mấy cục gạch được trãi lên bằng manh chiếu rách.
Chị cán bộ phụ nữ phường 3 Gò Vấp liếng thoắng.
-          Đó, nhờ anh chữa cho bà này, bị liệt cả tháng nay rồi mà không có tiền chữa bệnh.
-          Con cháu bả đâu rồi?
-          Bả có hai đứa con trai. Đứa nhỏ làm bảo vệ cho khu du lịch, có vợ ở riêng. Cậu lớn có lẽ đi chơi rồi. Thất nghiệp, nhưng không chịu làm gì, Phường giới thiệu việc làm cũng không chịu, chỉ đi nhậu… ké thôi.. Anh cứ chữa cho bả đi, phường sẽ gởi tiền xăng cho anh. Dĩ nhiên, tôi không từ chối, chỉ nghĩ bụng “ hì hì…phường không cho tiền thi tôi cũng đâu bỏ bà này được…cũng may là gần nhà”.
Trong khi chữa bệnh, bà già than thở với tôi là người con trai lớn không giúp đở gì bà mà còn nhậu về là chửi bới bà đủ điều, gần như mỗi ngày!!!
Hôm sau tôi được biết, hồi còn trẻ bà cũng đã từng chửi bới mẹ bà y như con bà chửi bà hiện nay. Quả báo hiện tiền chăng?



3.
Năm 1995.
Sau lưng chùa Già Lam ở đường Lê Quang Định là căn nhà chiều ngang chừng hơn 2 mét nhưng sạch sẽ. Đón tôi ngay cửa là một bác gái ngồi trên chiếc xe lăn. Sau lưng bà là bác trai đang nằm trên chiếc giường nhỏ. Cả hai người đều sạch sẽ tươm tất dù vẫn toát lên vẻ nghèo nàn thiếu thốn.
Sau khi châm xong chờ rút kim. Tôi và bác gái nói chuyện linh tinh. Một cháu trai độ 4 tuổi chạy ra chào tôi, tiếp sau là một cô gái trẻ. Hai mẹ con đi rồi, tôi mới biết bác gái liệt đã mấy năm, bây giờ đến lượt bác trai. Tôi khen.
-          Hai bác được chăm sóc chu đáo ghê. Ít thấy ai được như vậy.
-          Con gái tui và thằng chồng nó lo cho tụi tui đó thầy. Tội nghiệp… tụi nó làm công nhân, lu bu lắm nhưng cũng chăm sóc nhà cửa và tụi tui kỷ lưởng.
-          Ủa, hai bác chỉ có một cô con gái này thôi hả?
-          Dạ, mà nó là con nuôi đó thầy.
-          Cổ có biết chuyện đó không?
-          Biết chớ, vợ chồng tui cho nó biết lâu rồi …từ hồi chưa lấy chồng lận.
Tôi rời “thiên đường giữa xóm nghèo đó” trong trạng thái lâng lâng hạnh phúc và thường nghĩ đến họ mỗi khi tình cờ gặp chuyện gì liên quan đến “tình máu mủ”, nhất là sau khi “mở cửa”…. thị trường nhà đất sôi bùng.

4.
Tôi có một anh bạn.
Anh sẵn sàng nằm ưởn trên giường trong khi bà mẹ anh chẻ củi miếng để nấu cơm (loại củi to bằng đường kính của thân cây và bề dày khoảng 3-4 cm), hoặc bà xách nước từ giếng đổ vào lu cho anh tắm. Nhà nghèo, mưa xuống dột tứ tung, anh lấy cái áo mưa che chổ nằm của anh thôi, còn mẹ anh thì leo lên mái nhà trong mưa để chống dột.
Anh thuộc hàng học giỏi, cư xử tốt với bạn bè trong cơ quan, tháo vác trên công trường (anh là kiến trúc sư), nhưng ở nhà anh không làm gì cả. Mọi việc đều để mẹ anh phục vụ kể cả những việc nặng nhọc kể trên.
Hỏi mẹ anh, bà nói “ từ nhỏ đã như vậy, bác làm mọi cách cũng không thay đổi được. Nó lớn rồi không lẻ đánh chửi nó hoài, thôi thì bác làm cho rồi…còn khỏe hơn là biểu nó làm!”
Hỏi anh, anh nói “tao ghét mấy công việc đó lắm, không làm được!”.
Nhân duyên gì mà có cảnh trớ trêu đến vậy?
Anh lấy vợ, rồi theo gia đình vợ đi Mỹ. Đã lâu không liên lạc với gia đình anh, không biết anh có giúp đở tiền bạc gì cho bà mẹ già của anh ?

5.
Một anh bạn khác là giám đc một cơ quan cấp tỉnh, rất giỏi anh văn và vi tính, nhờ cơ quan cho đi học trong dịp xóa mù ngoại ngữ và vi tính cho CNV. Con trai anh thì rất dốt anh văn. Vi tính thì chỉ biết mò mẫm chơi game online, chat chit và coi phim đen, còn những cơ bản của soạn thảo văn bản thì mù tịt. Hỏi cháu sao không học ba hay xin ba tiền cho đi học? Cháu kể “ba nói……lớn lên tự học lấy” ?! Mọi việc khác cũng vậy, không dạy……chỉ bắt làm, làm không xong thì bị đòn !!! Thậm chí cháu đánh nhau bị trường đuổi học cả tuần lể mà anh không hay biết!
Chắc là anh theo ý của “ranh ngôn”: TRỜI SINH VOI SINH CỎ. Hay anh nghĩ “có ai chăm bón đâu mà cỏ cũng mọc tràn lan”??!! Tôi chưa bao giờ hỏi anh vì anh không phải là người cởi mở tâm tình.
Nhân duyên gì mà trớ trêu đến vậy?

6.
Và nhiều cảnh oái ăm trên đời hết sức vô lý mà vẫn xảy ra…………!
Nếu không hiểu lý thuyết của Phật Giáo thì nhức đầu “tới bến”………….hihi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét