Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

BÀN THÊM VỀ BÁT NHÃ.



Hai bài về Bát Nhã này đã được đưa lên Blog Yahoo360. Nay Yahoo đã không cho dùng blog, nên tôi đưa lại vào đây.


BÀN THÊM :Hà Nội, 2g15 phút, 23-12-2010. Chợt nghĩ,với nhiều người chưa biết Bát Nhã là gì thì bài viết trên được đưa lên thật là ‘lãng xẹt’ nên tôi viết thêm …hihi.
CỐT LỎI BÁT NHÃ.
1-       Trong kinh Bát Nhã đoạn mở đầu là : ‘Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành sâu sắc trí Bát-nhã thì nhận ra ngũ-uẩn xuất phát từ Không, nên vượt qua mọi ràng buộc của khổ nạn. Sắc chẳng khác Không,Không chẳng khác Sắc.Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như vậy’ (Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Độ nhất thiết khổ ách…). Đây là đoạn cốt lỏi của kinh. Các đoạn sau chỉ là diễn rộng ra mà thôi. Vì thế, sau khi đọc xong kinh, ta chỉ cần thuộc lòng đoạn này để thực hành. Khi thực hành thuần thục, cảm nhận và sống được trong tinh thần ‘Sắc Không bất dị’ này là ta đã thành công vậy.
2-       Sắc: Sắc không chỉ là vật chất mà là tất cả những gì chúng ta nhận biết được qua năm giác quan (xúc, thính,khứu,nhãn,vị giác) và ý (ta thường gọi là ý-thức). Dù rằng ý nghĩa các lời nói, câu văn,hành động của người khác mà ta hiểu được không thuộc vật chất.
Thọ: sự tiếp xúc của ta với Sắc.Có 2 kiểu thụ động (như chỉ nghe) và chủ động (như chú ý lắng nghe, có Tưởng tham gia).
Tưởng: nhận biết,nhận ra có sự tiếp xúc (thụ động);chú ý đến, nghĩ đến sự tiếp xúc (chủ động, có sự tham gia của Hành).
Hành: là hoạt động phân tích, xếp loại cái vừa thọ (thụ động); nảy lên sự ưa hoặc ghét (chủ động,có sự tham gia của Thức). Hành thụ động chỉ là phản xạ tự nhiên nên không tạo hệ quả gì. Hành chủ động tạo nên một Ý nên sẽ gây ra một Thân-nghiệp hoặc một Ý-nghiệp khi có cơ hội.
Thức: ghi nhận làm một kinh nghiệm, lưu trữ vào ký ức để dùng về sau (thụ động); nảy sinh sự chấp nhận hoặc phản kháng Thọ (chủ động, có sự tham gia đồng thời của Thọ, Tưởng, Hành). Thức thụ động thuần túy chỉ là kinh nghiệm không gây hệ quả gì cụ thể nhưng lại gây cản trở cho Giác vì thuộc Kiến-chấp- thủ. Thức chủ động là một Ý được xây dựng lên sẽ tạo nên một Ý-nghiệp bám chặt vào Tâm. Ý sẽ dẫn dắt xúi giục Thân tạo nghiệp mới.
3-       Khi ta Thọ thụ động thì hầu như việc này không làm ta động tâm bận tâm. Như một người nghèo trên đường đi nhận món tiền lớn, một người đang hối hả đến nơi hẹn với người yêu thì không để ý đến trời lạnh hay nóng như thế nào. Mà cho dù biết lạnh hay nóng cũng không mấy quan tâm và không cảm thấy đau khổ vì thời tiết. Tương tự như vậy cho Tưởng, Hành,Thức.
4-       Tục ngữ có câu « việc người thì sáng, việc mình thì quáng ». Ai cũng muốn sáng nhưng hầu hết đều quáng trong việc của mình. Vì sao? Vì ta không làm khán giả của chính mình.
BÁT NHÃ TRONG ĐỜI THƯỜNG.
(viết tiếp - 2g05, 1-1-2011. Hải Phòng)
Khi một hoàn cảnh xảy ra, hoặc một ký ức một ý nghĩ nảy lên lập tức Tâm ta bắt lấy (Thọ) rồi liên tục hoạt động (Tưởng, Hành) để lập một Thức (kinh nghiệm, ký ức) cho cảnh hay hồi ức đó; rồi sau đó thức này lại là một Thọ mới thúc đẩy cho tiến trình kế tiếp của hoạt động Tâm. Cứ thế…cứ thế cho đến khi Tâm dừng lại vì mệt mỏi, vì bế tắc, vì đã có một kết luận hoặc vì một biến cố khác (của cảnh hay ý) xảy ra thay thế và cắt ngang tiến trình này.
Đứng trước thật cảnh hay ý cảnh (cảnh trong ý khi ký ức, ý nghĩ…vv… xuất hiện) và khi Thọ, Tưởng, Hành, Thức hoạt động; hầu hết Tâm chúng ta sẽ nảy lên ít nhất một trong thất tình (Hỉ :mừng. – Nộ :giận. –Ái :ưa thích. -Ố :ghét. –Bi : xót thương. –Lạc :vui. –Dục :ham muốn). Nói gọn là trước một việc một sự xảy ra trong thực tế hay chỉ trong ý nghĩ, lòng ta lập tức « đẻ » ra một hay vài cảm giác trong Thất-tình kể trên. Đương nhiên vui hay buồn ập đến ngay. Biết vui ắt sợ sẽ bị buồn, biết buồn ắt mong sẽ được vui. Mà sợ hay mong đều không dễ thoát hay được. Khổ là vì đó, phiền não là vì đó.
Thế là Tâm ta đang bị ngoại cảnh hoặc ký ức xỏ mũi lôi đi xềnh xệch một cách thãm thương. Thế là Tâm ta là nô lệ vào thật cảnh hay ý cảnh  vừa đến. Triết học phương Tây gọi là « vong thân » (đánh mất mình). Đó là Tâm Mê vậy. Đó là khởi nguồn của Phiền Não. Đó là đang « quáng » vậy.
LÀM SAO ĐỂ THOÁT RÀNG BUỘC CỦA KHỔ.
Như vậy, ta thấy sự thụ động hay chủ động trong mọi hoạt động của Tâm là cốt lỏi trong việc thực hành Bát Nhã. Như vậy muốn thoát phiền não (khổ) chỉ còn cách là giữ Tâm ta ở thế thụ động khi Thọ thật-cảnh hay ý-cảnh. Làm thế nào để Tâm ở vị trí người xem kịch, người quan sát khách quan.
Ngay cả việc xem kịch hay phim ảnh là ta đang làm khán giả; nếu không cảnh giác ta vẫn có thể bị lôi vào tình huống vui buồn theo nhân vật, có khi cười khóc còn thật hơn diển viên (!!!), đó cũng chính là ta đang « đánh mất mình » vậy. Tâm phải như khi quan sát hoạt động của đàn kiến, chỉ có sự theo dỏi chớ không có tình cảm. Tâm phải như mở nắp nồi cơm xem đã chín hay chưa chứ không nảy sinh tình cảm. Tâm phải như khi ngắm vạt mây đang trôi đang biến dạng trên bầu trời, chỉ có tò mò chớ không có tình cảm yêu thích hay ghét bỏ. Lúc đó Tâm mới ở thế thụ động, ở vị trí khách quan; không tham gia vào cảnh. Tâm phải như đang duyệt lại những việc đã làm trong ngày, phải như buổi tối đang nhớ lại số tiền đã chi tiêu trong ngày vào việc gì, phải đang sắp xếp trình tự các việc cần làm cho ngày hôm sau. Tâm phải như đang ôn lại bài học, phải như đang giải một bài tập đã biết cách giải, phải như đang mở vòi nước để rửa tay chân. Tâm phải như thế………. có như thế vị sư nữ mới ngộ khi đang rữa chân bên giòng suối, như vị thiền sư quăng cục đá vào bụi tre mà ngộ.
Mà sự thụ động hay chủ động của Tâm lại là tự động, gần như chúng ta không kiểm soát không nhận thức được kịp thời – có vẻ tự nhiên nhưng thật ra không tự nhiên mà là phản xạ có điều kiện được thành lập dần qua năm tháng trong khi trưởng thành dần. Cho nên Lão Tử  mới nói “gần với Đạo nhất là Anh-nhi” (trẻ sơ sinh) vì lúc này trẻ chưa có kinh nghiệm gì cả, chưa biết phản ứng có lô-gic như người lớn; lưu ý là “gần với Đạo” chớ không phải là Đạo. Vì có vẻ tự nhiên nên ta không cảnh giác với thể chủ động của Tâm. Vậy làm thế nào để Tâm ta luôn ở thế “thụ động” khi tiếp xúc với cảnh hay ý?
Có nghĩa là Tâm ta luôn thụ động trước mọi cảnh hay ý. Có như vậy ta mới không bị cảnh hay ý lôi kéo xỏ mũi nữa. Có như vậy thất-tình lục dục mới không khởi lên được.
Ta phải luôn là khán giả quan sát cảnh đang đến với mình, là khán giả quan sát cảm xúc suy nghĩ của chính mình. Đứng ngoài cảnh mình đang gặp phải và ý của mình đang nảy ra trong mình.
Chúng ta phải rèn luyện. Rèn luyện để xóa bỏ cái phản xạ Tâm chủ động. Việc này nói thì đơn giản nhưng làm thì rất khó, nhưng không phải là không được.
Trong đời chắc chắn ai cũng đã từng trãi qua ít nhất một lần trong các cảnh ngộ vừa kể trên: nhìn đàn kiến, ngắm tầng mây bay, kiểm tiền bạc, dự trù công việc, giải một bài tập, rửa tay chân…..vv... Chỉ có điều lúc ấy ta không nhận ra Tâm mình đang thụ động, Tâm mình đang là khách của chính mình, Tâm mình không động, Tâm mình đang ở vị trí phát sinh nguyên thủy, Tâm mình đang là Chân Tâm chưa biến thể thành Vọng Tâm chưa biến thành Tâm Sinh Diệt. Trạng thái ấy trụ lâu hay mau tùy lúc. Bởi có thể ta mong đàn kiến tha được cục mồi quá to vượt qua cái lõm đất, mong mây tan nhanh để cảnh vật sáng hơn, mong không bị mất tiền trong lúc kiểm, mong hay sợ khen chê vì xếp đặt công việc giỏi dở, mong làm bài cho nhanh để chạy ra chơi với bạn, mong rửa tay chân cho mau để còn làm việc khác…vv….hihihi. Và ngược lại, cũng có lúc ta bật cười khi phát hiện ra mình đang mong hay đang sợ một điều chưa đến, có thể không đến được. Quý vị thử nhớ lại coi mình đã có khi nào rơi vào tình huống ấy chưa: Tâm thụ động, rồi bị động, rồi tỉnh ngộ và thụ động trở lại. Tôi tin là ai cũng đã từng trãi qua kinh nghiệm này ít nhất một lần. Vậy sao không phát triển trạng thái đó cho nhuần nhuyễn, cho miên mật, cho thường hằng, cho mọi lúc mọi nơi nhỉ ?
Vậy thì…..Tâm thụ động vốn có sẳn, Chân Tâm vốn có sẳn. Tâm là Chân hay là Vọng do mình thiếu sự tỉnh táo (Giác); thiếu sự theo dỏi (Quán) Tâm đang chú ý đang đặt vào đâu ở đâu, Tâm đang là gì là Chân hay Vọng. Vì không Giác không Quán nên Chân Tâm lập tức bị Cảnh và Ý lôi đi. Thế là đang Chân bị thành Vọng. Đang tỉnh bị thành mê.  Vì thế Thiền Tông mới nói “ Giác là Phật,Mê là chúng sanh”, “buông đao đồ tể thành Phật”….sự biến đổi qua lại chỉ trong chớp mắt, chỉ trong một ý niệm mà thôi. Vấn đề là trụ lại được bao lâu trong Giác, thoát khỏi Mê trong bao lâu….? Trụ bao lâu lại do Chỉ hay Quán; điều này không nằm trong Bát Nhã mà nằm trong Thiền. Bởi Bát Nhã là nói về Lý về Nghĩa, Thiền là chỉ về Sự về Hành. Biết Lý hiểu Nghĩa mà không Hành cũng giống như biết đường đi mà không cất bước. Hành mà không biết hiểu Lý Nghĩa cũng như đi mà không biết đường mò mẫm thật khó khăn. Tuy nhiên điều thú vị là nếu đạt đến mức tột cùng của một trong hai vế Lý hay Sự thì vế kia cũng tự động thúc đẩy vế còn lại chuyển theo, tuy có khó khăn hơn nhiều.
Rèn luyện như thế nào đây?
RÈN LUYỆN HÀNH TRÌ BÁT NHÃ.
Mỗi người có cách thức riêng để thực hiện việc của mình.
Riêng bản thân tôi, trăn trở với Bát Nhã từ 1982 đến nay; từ biết đến hiểu sơ sơ cạn hẹp, đến hiểu rộng mà mơ hồ; mãi đến 2007 mới gọi là hoàn chỉnh việc hiểu và hành. Một quảng đường dài, nhiều trắc trở nhưng không hiểu sao tôi vẫn không bỏ cuộc dù có lúc cũng lơ là. Hoàn toàn là tự học dù có lúc cũng thỉnh giáo vài vị thiện tri thức nhưng hầu hết đều không làm tôi “đại ngộ”. Cho đến 2006, khi tôi gặp 2 tác phẩm “ Lưới trời ai dệt” của Ông Nguyễn Tường Bách và “ Toát yếu lý Bát Nhã” của Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì việc hiểu hoàn chỉnh. Nhưng việc hành thì vẫn còn lỏng lẻo, vẫn chưa tìm ra được cho mình phương pháp thực hành tốt nhất. Mãi đến 2007 thì đóa hoa Bát Nhã trong tôi mới nở hoàn toàn, nhờ Tứ Niệm Xứ.
Biết mình vẫn còn là một phàm phu, nhưng nhận ra lợi ích to lớn khi thực hành được Bát Nhã. Tôi mạo muội trình bày kinh nghiệm của mình chỉ vì mong cầu ai đó thích hợp mà vẫn còn đang bị khổ nạn ràng buộc cũng được hưởng niềm an lạc này. Có điều là khi Tâm chưa an, việc hiểu Bát Nhã chưa rốt ráo tận cùng sẽ khiến chúng ta rất dễ rơi vào nhận thức “thiện ác bất phân” (vì ý: sắc không bất dị), từ nhận thức này chúng ta rất dễ rơi vào con đường tà ác mặc dù vẫn chủ trương hành thiện, rất mâu thuẫn. Thực tế cuộc đời cho thấy trong một số người có sự nghiệp tốt đẹp vẫn thực hiện những điều xấu xa ……hihi…..rất ngộ nghĩnh……! Mà hể làm ác gây nhân xấu ắt luật Nhân Quả không bỏ qua. Mong quý vị thận trọng khi hành Bát Nhã.
Chúng ta sẽ cần hai giải pháp song song: đối với quá khứ, đối với hiện tại. Tương lai không cần vì khi đã giải quyết được quá khứ và tâm đã an trong hiện tại thì không còn mong ước hay sợ hãi tương lai.
Đối với quá khứ: nếu chưa từng nghĩ đến việc này. Ta cần theo các bước thứ tự như sau (theo kinh nghiệm bản thân của tôi).
1-Giai đoạn đầu.Xem truyện, xem kịch, xem phim và luôn  tự nhắc mình đang là người đọc truyện người xem phim, mình không phải là nhân vật, mình không đang ở hoàn cảnh của phim truyện. Nhằm mục đích không để cảnh truyện phim lôi kéo……cho đến thuần thục…….không còn cảm xúc theo truyện phim theo nhân vật. Chỉ thuần túy nhận biết cốt truyện phim hay hoặc dở mà thôi; diển viên đóng vai hay dở, bố cục khéo hay vụng mà thôi. Việc này gần như là xảy ra trong hiện tại nhưng là điểm khởi đầu cho việc rèn luyện nên tôi đưa lên đây. Là bước rèn luyện dễ nhất.
2-Bước thứ hai. Khó hơn một chút vì là việc của mình.Tự nhớ lại kỷ niệm vui nhỏ……mà    luôn nhớ là chuyện đã qua lâu rồi, không thể níu kéo chuyện ấy xảy ra lại để hưởng vui, không còn ảnh hưởng gì được nữa. Cho đến thuần thục rồi tăng dần các kỷ niệm vui theo cường độ vui. Cho đến thuần thục thấy chỉ là một kỷ niệm thuần túy không có giá trị vui ít hay nhiều gì cả.
3-Giai đoạn thứ ba. Khó nhất trong ba bước.Tự nhớ lại một kỷ niệm buồn nho nhỏ và luôn nhủ rằng chuyện đã qua rồi không sửa đổi gì được, không làm mình buồn được nữa, cho đến thuần thục rồi tăng dần cường độ buồn của các câu chuyện quá khứ.
Khi nhớ lại các chuyện vui buồn trong quá khứ mà tinh thần ta vẫn bình thản,không oán hận không thích thú cho dù chuyện đó có dữ dội như thế nào đi nữa là việc quá khứ đã giải quyết xong. Tâm đã nhẹ được rất nhiều rồi. Không sướng sao?
Đối với hiện tại, có 3 phần cần nắm bắt luôn luôn: bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ việc gì. Việc này không dễ trong thời gian đầu thực hành. Nhưng kiên trì sẽ được.
Chúng ta thường có thói quen vừa làm việc này vừa nghĩ đến chuyện khác, vừa nhìn cảnh này lại vừa nghĩ đến cảnh khác, vừa nghe người này nói vừa nghe người khác nói hoặc nghĩ đến việc khác. Khi còn đi học ta rất thường mắc lỗi lầm này khiến việc tiếp thu bài giảng kém đi nhiều. Nghe thầy cô giảng bài mà lại nhớ đến cô (hay anh) hàng xóm dễ thương! Tệ hại hơn là ngồi trong lớp mà không nghe gì lời giảng bài cả, không một âm thanh nào đến được tai chỉ vì não bận nghĩ đến việc khác. Tóm lại là Tâm ta luôn lăng xăng như một đứa trẻ lần đầu tiên trước một đống đồ chơi mới lạ vừa được đưa ra, nó ôm vào lòng nhiều cái cùng lúc.
Vậy thì………..chúng ta nên:
Bất cứ lúc nào: ta chỉ chú ý tập trung tinh thần vào việc quan sát cảnh tượng đó, công việc đang làm đó; lúc bấy giờ không nghĩ đến chuyện gì khác. Tâm không có ý mong mau lẹ hơn hay chậm lại vì mong thì lòng sẽ nôn nao, sẽ thấy quá lâu hay quá mau. Chúng ta thường than vãn “sao lâu quá mà…” hoặc “mới đó mà….” ….chỉ vì MONG MUỐN mau hay chậm, mà thời gian thì vẫn là thời gian, một giây vẫn chỉ một giây, một ngày vẫn chỉ một ngày. Chỉ có ý niệm là nhanh nhất nhưng ý niệm không làm thay đổi thời gian thực được.
Bất cứ ở đâu: ta chỉ ngắm nhìn và nhận biết mà không mong thay đổi gì. Nóng biết là nóng, lạnh biết là lạnh. Không mong mát lại, không mong ấm lên. Bởi mong mát thì sẽ cảm giác là sao thời tiết nóng quá nóng hơn; mong ấm thì lại thấy trời lạnh hơn lên. Đó là phản ứng tâm sinh lý kéo đến khi để Tưởng Hành Thức tham gia. Dĩ nhiên ta có thể bật quạt hay máy lạnh hay lò sưởi để thay đổi hiện trạng, để cơ thể ta không bị hại. Cũng như khi có bệnh thì tìm cách chữa bệnh chớ không nên buồn rầu vì mắc bệnh; hai việc này ý nghĩa và hệ quả hoàn toàn khác nhau. Thân đã mang bệnh, việc gì lại tự gây bệnh cho tinh thần, hóa ra từ một bệnh mà thành hai.
Bất cứ việc gì:Làm việc gì đặt hết tinh thần chú ý vào việc đó. Dập tắt mọi ý nghĩ khác.Làm theo hiểu biết theo kỹ năng sẳn có của mình một cách cẩn thận. Không mong mau chóng kết thúc công việc, chỉ suy nghĩ tìm cách loại bỏ các động tác thừa, các bước kế hoạch vô ích; chỉ chăm chút vào từng động tác thực hiện, từng bước đi theo kế hoạch mà thôi. Cũng không mong thành công hay sợ thất bại, vì mong hay sợ là Tâm khởi lên Tưởng-Hành ngay- Tâm động.
Theo dỏi nhận biết từng động tác. Ăn: biết đang đưa thức ăn vào miệng, đang nhai,nhận biết thức ăn đang nát vụn đang mềm ra trong miệng. Nuốt biết thức ăn đang trôi xuống thực quản…..vv. Đi: nhận biết từng bước chân mình đang dở lên đang đặt xuống nền đất mềm hay nền xi măng…vv. Thở: nhận biết không khí đang qua mũi, đến phổi trên,đến phổi giữa rồi xuống đến tận đáy phổi. Nếu biết cách thở sâu đến bụng thì càng hay.
Trong các kỹ thuật rèn luyện để định tâm hay nhất dễ nhất là kỹ thuật theo dỏi hơi thở này. Ta chỉ cần rèn luyện liên tục 24/24 khoảng 1 tuần lể là đạt được phản xạ này (Đức Phật đã khẳng định điều này trong kinh Tứ Niệm Xứ. Tôi đã từng hơi hoài nghi, nhưng may mắn thay có dịp thực hiện và đã làm được việc kiểm soát hơi thở này, mặc dù cũng không được liên tục 24/24 vì còn bận “cày” để kiếm cái ăn….hihi). Từ phản xạ này ta phát triển qua các động tác khác như uống, ăn, đi, lái xe, làm việc tay chân như xới đất, tỉa cành, nhặt rau, nấu cơm, rửa mặt….vv. Dĩ nhiên bạn nên sắp xếp một lịch rèn luyện như thế nào mà trong tuần lể đó bạn tiếp xúc với người khác càng ít càng tốt. Vì khi nói bạn khó vừa phát biểu ý tưởng mình vừa theo dỏi hơi thở vào ra. Có lẻ nếu có điều kiện bạn chọn một điểm du lịch xanh một mình, hoặc chỉ với một bạn đồng hành cùng mục đích rèn luyện kỹ năng này: kiểm soát hơi thở ra vào phổi của mình. Nếu bạn biết tọa thiền thì càng tuyệt vời hơn.
Tại sao có một số người trong chúng ta tọa thiền nhiều năm mà vẫn không đạt được niềm an lạc trong đời thường? Vì quý vị ấy chỉ kiểm soát hơi thở trong khi tọa thiền mà không chú ý đến nó sau khi xả thiền; nghĩa là chỉ Thiền trong khi tọa Thiền chớ không Thiền mọi lúc mọi nơi mọi việc. Vì thế chưa thành phản xạ. Kiểm soát hơi thở là dễ nhất mà còn chưa thành phản xạ thì những việc khác phức tạp hơn làm sao có phản xạ kiểm soát được. Mà hể không kiểm soát được Tâm ắt Tâm sẽ bị Thọ-Tưởng-Hành-Thức lôi đi, đó là khởi nguồn của KHỔ vậy.
Cứ thế và cứ thế, mỗi ngày ta sẽ thấy mình thuần thục hơn lên trong việc định tâm. Ta sẽ nhận ra là dừng phản xạ chủ động của Thọ Tưởng Hành Thức không còn khó nữa. Dừng phản xạ chủ động của 4 uẩn này được là an định được Tâm vậy.Việc này sẽ ngày càng nhanh chóng hơn dễ dàng hơn. Thời gian đầu ta thấy Tâm sẽ có lúc an định, có lúc tâm rối loạn theo cảnh. Nhưng qua thời gian và chuyên chú, thời gian Tâm an định kéo dài hơn ra.
Thế là khi sống, khi làm việc, ta nổ lực, ta chuyên chú nhưng ta ung dung,không thấy khổ. Mắc một trận mưa đột ngột, ướt lạnh thì cũng đã bị rồi nhưng lòng không thấy khổ không thấy “giận ông trời”. Mất một túi tiền lòng vẫn thanh thản không giận người móc túi gian lam, không giận mình lơ đểnh hớ hênh. Vậy không sướng sao?
Không còn bị khôn – dại, được -  mất, thắng – thua đè nặng cuộc sống. Lúc nào cũng thấy được: ĐƯỢC BÌNH YÊN. Vậy không sướng sao? Còn đi tìm HẠNH PHÚC ở đâu nữa vậy?
Bị người mắng mỏ, dù đúng hay oan cũng thanh thản nhẹ nhàng như chưa hề nghe mà chỉ thấy thương người mắng mình đang bị Sân dằn xéo, người ấy đang khổ….. Lòng Từ tự nhiên đến. Tôi cảm nhận như vậy, không biết các vị nghĩ sao?
Thế là không có chiến tranh trong lòng mình, thế là không tham gia chiến tranh với người khác. Cũng như đói thì ăn, khát thì uống, nắng thì che, mưa thì đậy. Chẳng lẻ cứ để đầu trần mà đi giữa trưa tròng bóng? Chẳng lẻ cứ dầm mưa mà đi cho đến khi bị bệnh? Chẳng lẻ cứ ngồi ỳ ra mà chịu người ta chửi bới đánh đập mình. Mỗi một tình huống đều có cách thoát ra. Tìm cách thoát ra chớ không chìm đắm trong buồn phiền oán ức thù hận. Vậy không sướng sao?
Với quy luật của tự nhiên thì ăn-uống-che-đậy (lời của một thiền sư trả lời về Đạo: đói ăn, khát uống, nắng che, mưa đậy); còn với người thì sao đây? Làm sao để giữ được Tâm thiện, Hành động thiện, làm sao giữ được thân không bị hại, tâm không bị lung lay khi bị người tấn công quấy nhiễu?
Có lẻ “tẩu vi thượng sách”, phải chịu chút tiếng dè biểu “dở, dốt, ngu, đần, yếu, hèn…” gì gì đó vậy….hihihi……..Chỉ phản kháng khi bị dồn vào thế cùng, nhưng lòng vẫn không sân hận. Vì dù sao chúng ta (trong đó có tôi) chưa thành Bồ Tát hay A-la-hán có thần thông để có thể dễ dàng chuyển đổi Tâm thức người khác.
KẾT LUẬN:
Xin quý vị đừng nghĩ rằng đây là TU. Đây cũng chỉ là một phương thức để giải quyết các vấn đề của tinh thần. Để cuộc sống chúng ta ngày một thoải mái hơn và có thể đạt đến mức luôn luôn thoải mái bất chấp hoàn cảnh. Mà quan trọng nhất là không cần bám víu vào một ai khác ngoài bản thân mình. Thân cho dù có bệnh mà tinh thần không bị bệnh. Thân dù có đau đớn mà lòng không đau. Vậy chẳng sướng sao?
Không có chiến tranh trong nội tâm. Không gây hấn và không tham gia chiến tranh với người khác. Luôn sống trong hòa bình nội tại lẫn ngoại cảnh, dù vẫn ăn-uống-che-đậy. Vậy không sướng sao?
Một chút kinh nghiệm riêng thành tâm trao đổi cùng quý vị. Cầu mong được chỉ điểm để học thêm.Cầu mong sao càng nhiều người luôn an hưởng cuộc sống thanh bình ngay tại trong Tâm.
Lương-y Tạ Minh.

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

TOÁT YẾU LÝ BÁT NHÃ



 

 




TOÁT YẾU
LÝ BÁT NHÃ

 

 










 

Tác giả: Hòa thượng Thích Thanh Từ

Chú giải: Lương y Tạ Minh


 




 

 

TOÁT YẾU LÝ BÁT-NHÃ

Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt
ngày 20.5.2003 - 20.4 Quí Mùi.
                                                                       Hòa Thượng Thích Thanh Từ.


[Tài liệu này được chú giải nhằm phổ biến cho các học viên Diện Chẩn của tôi. Cho nên văn phong có chổ không thích hợp với tất cả mọi người, mong thông cảm.
 Kinh Bát Nhã là một trong những kinh “khó nuốt” với những ai mới bước vô Phật học. “Sắc-Không, Không-Sắc” (Có-Không, Không-Có) thật là rắc rối!!! Nay đọc bài này thấy thật là dễ hiểu nhưng dành riêng cho tu sĩ  nên chú giải thêm để những phàm phu như chúng tôi càng dễ hiểu hơn.Kính mong chư vị ở Thường Chiếu hoan hỉ cho tôi.
Cùng các bạn học viên của tôi. Vì mong các bạn được lợi ích về mặt tinh thần, tôi chú giải bài này của Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Bởi trong các bạn, có người đã có Thiện Tâm nhưng chưa biết về lý thuyết của Phật Giáo. Tôi biết cũng không nhiều và chưa sâu, cũng như người chột đó mà, nhưng tôi nghĩ dù sao trên đường đi có người chột dẫn đường  vẫn hơn người mù mò mẫm trong bóng tối.  HT Thanh Từ đã thấu triệt Bát Nhã và phương pháp tu Thiền. Cho nên tôi không có gì để bàn thêm, chỉ thêm mấy ý về khía cạnh vật lý của Sắc và Không để dễ hiểu cho những người phàm phu như chúng ta hơn thôi.Các bạn chú ý mấy đoạn in đậm hay nghiêng.
Các bạn cũng cần nhớ rằng không phải hể cứ đi tu vào chùa được là đã hiểu hay phải hiểu được Đạo. Các tu sĩ  có quyết tâm tu hành, nhưng hiểu được Đạo thì còn lệ thuộc nhiều yếu tố trong đó có căn cơ rất quan trọng. HT Thanh Từ vì thấy đệ tử có nhiều người chưa ngộ mà có bài giảng này. Các bạn đừng vì vậy mà sinh lòng coi thường các vị tu sĩ  (vì bị Sư Phụ rầy la ).Vì dù sao họ cũng hơn chúng ta vì dám xuất gia, chịu đựng khổ hạnh từ bỏ mọi thú vui ở ngoài đời, ăn chay lạt lẻo, thức khuya dậy sớm, tụng kinh khô cổ, ngồi thiền đau chân mỏi lưng năm này qua năm khác. Các bạn cứ thử sống như vậy một tuần xem, để biết giá trị của các tu    là ở chổ nào.
Điểm khác nữa:  bài giảng này là văn nói nên cú pháp văn từ không được trau chuốt chọn lọc. Do đó hiểu ý là chính. Đừng chấp vào câu chữ mà uổng phí công đọc và không thấy tâm huyết của HT Thanh Từ.
Đọc một lần không hiểu thì các bạn chịu khó đọc lại. Đọc đi đọc lại nhiều lần, kiểm nghiệm vào đời sống, một lúc nào đó bạn sẽ hiểu ra. Và MỘT CON NGƯỜI KHÁC XUẤT HIỆN TRONG BẠN cho dù con người hiện tại của bạn vẫn còn đó. Bạn vẫn ăn, ngũ, làm mọi việc như mọi người nhưng bạn sẽ có một trạng thái tâm thức khác hẵn: an lạc. Mong các bạn đừng lơ là.-Tạ Minh.]
Thiền viện chúng ta trong tất cả thời như sám hối, ăn cơm, tọa thiền, xả thiền đều tụng Bát-nhã. Tóm lại, chỉ có bài kinh Bát-nhã là chúng ta tụng niệm thường nhất, ngoài ra ít có bài kinh nào khác. Người ta đặt câu hỏi, tại sao ở Thiền viện ít kinh quá, chỉ có bài kinh Bát-nhã thôi, quí vị nghĩ sao? Chính chỗ đó, nếu chư Tăng không hiểu, không nắm vững thì cũng hơi ngờ về chủ trương của mình.
Trong nhà thiền thường nói: “Ai muốn vào nhà Thiền thì phải đi từ cửa không.” Cửa không là cửa vào nhà Thiền, cho nên nói tới thiền là nói tới cửa không. Như vậy chữ “không” của nhà Thiền là không gì? Đó là “không” của Bát-nhã. Bát-nhã là cánh cửa để chúng ta đi vào nhà thiền. Nếu chúng ta không từ cánh cửa Bát-nhã mà vào thì chắc chắn không vào được. Đó là chỗ thiết yếu. Nếu người tu thiền không nắm vững, không hiểu được lý Bát-nhã thì khó tiến được tới chỗ cứu kính của người tu thiền, nhất là Thiền tông.(Thật ra không chỉ là người tu thiền,người phàm tục nếu không tu mà hiểu được “Sắc-Không” của Bát Nhã thì cũng thật quý giá cho tâm thức mỗi người.Vì thế mà tôi “bạo gan” chú giải bài này. Nếu có gì sai sót mong được thông cảm và chỉ giáo thêm.-TM)
Tôi đã từng giảng bài kinh Bát-nhã cho Tăng Ni nghe nhiều lần. Song hôm nay nhận thấy những điểm thiết yếu trong bài kinh Bát-nhã, nên tôi tóm tắt trình bày với quí vị về yếu lý Bát-nhã để tất cả biết ứng dụng trong đời tu của mình. Lý Bát-nhã cao siêu sâu sắc như thế nào? Đó là một vấn đề chúng ta phăng lần từ từ sẽ thấy.
Hiện giờ, quí vị đang thấy cái bàn trước mắt tôi và khoảng trống bên cạnh cái bàn. Tôi xin hỏi cái bàn hiện có đây là thật, hay khoảng trống hiện có đây là thật? Người thế gian chỉ nhìn thấy cái bàn hiện có trước mắt, sờ mó được là thật. Còn hư không trống rỗng, sờ mó không được nên nói không thật. Nếu cái bàn hiện có mà ta nói cái bàn giả, hư không trống rỗng không sờ mó được ta nói thật, họ sẽ bảo mình điên. Cái không có gì hết mà nói thật, còn cái sờ sờ trước mắt, sờ mó được, sử dụng được lại nói giả là sao? Đây là những vấn đề người tu Phật phải hiểu cho tường tận, nếu không thế gian sẽ cho rằng chúng ta hoang tưởng hoặc điên. Điều này hết sức khó đối với chúng ta.
Bây giờ đặt câu hỏi lại, cái bàn này có là do duyên hợp hay tự có? Ai cũng nhận là duyên hợp (Duyên hợp tức là người thợ mộc lấy gổ đẻo gọt thành các bộ phận rồi ráp lại thành cái bàn.Nhân là gổ, là người thợ có tay nghề. Tất cả các thứ đó duyên hợp lại với nhau mà thành cái bàn. Duyên hợp:cơ hội gặp gở và tương tác nhau.Vì nếu gặp nhau mà không tương tác nhau cũng không thành kết quả. Gổ có sẵn mà người thợ mộc không chịu làm việc thì cũng không có cái bàn được-TM). Từ duyên hợp mà thành nên thiếu duyên thì tan hoại. Như vậy đứng về mặt nhân duyên mà nói thì cái bàn có tướng, có hình dáng chúng ta thấy, sờ mó được nhưng nó có trong duyên hợp hư giả. Còn khoảng trống không do cái gì hợp? Khoảng không là trống rỗng, không có duyên hợp. Cái duyên hợp thì thành rồi hoại, sanh rồi diệt (một ngày nào đó cái bàn sẽ phải hư hỏng và tan rã không còn là cái bàn nữa. Một lần nữa cái bàn sẽ duyên hợp làm nhiều thứ như cái chân bàn sẽ thành cái chày, mặt bàn thành những lá sách cửa ra vào, hay có thể toàn bộ thành củi cho một đêm lửa trại. Cứ thế, vật chất duyên hợp nhau mà thành cái này cái khác.-TM). Cái không duyên hợp thì không thành, không hoại, không sanh, không diệt. Cho nên Bát-nhã có câu: “thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh…’’, nghĩa là tướng Không của các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch… Do không sanh, không diệt nên nó còn hoài, trước sau không bao giờ đổi thay. Còn sanh diệt là cái tạm, có rồi hoại mất.(cần hiểu rằng  khoảng trống không mà HT Thanh Từ đưa ra ở đây chỉ là ví dụ tương đối  với cái bàn, chưa phải là tướng Không, còn tướng Không là khác nữa. Vì khoảng trống không vẫn còn không khí là duyên hợp của các phân tử khí như oxy,hydro,nitơ…..Tướng Không có lẻ là các yếu tố ban đầu của các hạt cơ bản được đề cập đến trong vật lý hạt. Sẽ bàn nhiều hơn ở dưới.Vì ở đây HT đang dẫn chúng ta đi từ từ.Bàn nhiều thêm rối rắm. Xin xem thêm ở “ Lưới trời ai dệt” của Nguyễn Tường Bách.-TM)
Hồi xưa khi đọc tới câu “chư pháp không tướng”, tôi hơi ngại chữ “tướng”. Bởi vì “tánh không” thì dễ hiểu, còn nói “tướng không” thì hơi khó hiểu. Nhưng thật ra không có gì lạ. Cái bàn có tướng vì có hình thức, còn hư không không tướng nên nói là Tướng Không. Có là tướng thì Không cũng là tướng. Cái bàn có tướng cái bàn, hư không có tướng hư không. Tướng không ấy không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch. Tướng có thuộc về sanh diệt giả dối tạm bợ. (Tướng :hình thức.-TM)
Nhưng ở thế gian hiện giờ, muôn người như một chỉ nhìn cái có mà bỏ cái không. Song họ đâu biết rằng tất cả cái có đều tựa trên cái không, kể cả quả địa cầu này. Có cái có nào mà không ở trong cái không đâu? Cái có là duyên hợp mà có, cho nên sanh rồi diệt liên miên. Còn cái không bao bọc tất cả đó, có sanh có diệt không? - Không. Chúng ta tu mà không rõ, không thấu triệt được lý Bát-nhã nên không hiểu gì hết. Bát-nhã là chỉ thẳng cho Thể tánh không của muôn pháp, muôn sự vật. Đã là Thể tánh thì không cái nào rời nó được.
( Tánh : bản chất nội tại, Tướng là hình thức là hiện tượng xuất hiện ra bên ngoài. Tánh là Thể, Tướng là Dụng-theo Dịch học. Tánh là chất liệu cấu tạo, Tướng là hình thức cấu tạo. Như thủy tinh là tánh của các tướng ly, lọ, chai, gương kính…..Nhưng dù sao thì ví dụ này của HT Thanh Từ cũng dễ hiểu về tướng Không  cho tất cả mọi người bất kể trình độ kiến thức. Tôi hằng quán Bát Nhã hơn 20 năm vẫn mơ mơ hồ hồ về Tướng  Không. Nay nhờ nhân duyên đến từ hai tài liệu “Lưới trời ai dệt” và “Toát yếu lý Bát Nhã” này mà hiểu được,nhưng cũng còn nương nhờ vật lý học. HT Thanh Từ có lẻ không có thì giờ để quan tâm đến Vật lý hạ nguyên tử -vật lý hạt-, mà cũng không cần đến vật lý học như tôi –hihi- mà đưa ra được thí dụ này. Nên ở trên tôi  mới nói là HT Thanh Từ đã thấu triệt Bát Nhã là vậy. Các bạn nên nhớ thí dụ không phải sự thật mà chỉ là “giống như thật” thôi.Trong Phật giáo, các ví dụ rất thường được sủ dụng để tạm diển tả sự thật khi khả năng nhận biết sự thật của con người còn giới hạn- TM)
Như cái nhà chúng ta đang ở, nó thành hình cái nhà nhờ khoảng không, nếu có cái gì trong đây thì không cất được cái nhà. Được cái nhà rồi, mà trong này bít hết thì dùng được không? Vô dụng. Thành ra từ cái không mà thành cái nhà. Cái nhà có rồi, trong cái nhà cũng phải trống không mới sử dụng được. Hình cái nhà là sắc, khoảng không trong cái nhà là không, vậy “sắc tức là không”. Từ đất trống dựng nên cái nhà nên “không tức là sắc”. Sắc không, không rời nhau. Ngoài không, không có sắc, chính trong sắc đó là không, vì có cái không trong ấy. Cho nên “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, nói đi nói lại nghe rất khó hiểu. Chính cái khó hiểu đó nói lên lẽ thật.( Sắc:là những gì ta nhận biết được bằng ngũ quan. Tướng là hình thức thể hiện của Sắc. Bàn rộng ra thì Sắc là bản chất, tướng là hình thức. Như thủy tinh là sắc, hình dáng khối cầu của viên bi hay dẹt như tấm gương là tướng. Đô,Rê, Mi,Fa,Sol,La,Si là Sắc, bản nhạc là Tướng của 7 âm đó, phân tích chi li hơn nữa thì Âm nhạc là Sắc mà 7 nốt đó là 7 tướng của âm nhạc- Nhờ có Tướng mà ta nhận biết được vật chất. Nhưng khả năng của sinh vật có hạn định cho nên ta không nhận biết được có vi trùng cho tới khi chế ra được kính hiển vi, trong khi Phật đã nói đến từ lâu, xin xem trong kinh Duy Ma Cật. Tai người không nhận được siêu và hạ âm, trong khi một số loài vật lại nhận được.Mắt người thấy được 7 màu nhưng không thấy được tia cực tím và ánh sáng yếu.Các kiểu vật chất khác cũng vậy; tùy khả năng của từng loại sinh vật mà nhận biết khác nhau.Như loài chó  mù màu, nhưng mũi chó thính hơn mũi người rât nhiều …v.v… Nói như vậy các bạn đang có cảm giác rằng Sắc là Tánh(Thể) của Tướng.Ở cấp thô thiển cạn cợt thì là như vậy. Nhưng đi sâu hơn, tinh vi hơn thì Sắc vẫn là Tướng của Tánh Không. Đơn giản là vì Sắc –vật chất- vẫn có nhiều kiểu: hơi, lỏng,mềm,bở,dẻo,dai,cứng. Không chỉ có MỘT , Sắc từ không mà có.Cho nên trong Phật giáo hay nói câu “một là tất cả, tất cả là một”, từ không mà biến ra tất cả, tất cả rồi cũng quay về không  .TM)
Cái nhà, bao bọc xung quanh là sắc, trong ruột trống không. Khi cái nhà chưa có là khoảng đất trống, từ đất trống đó mới xây dựng được. Như vậy trước khi xây dựng nó là không, nên gọi là Tánh không. Tánh là cái có sẵn.  Khi xây dựng rồi, trong nhà có những khoảng trống để sử dụng, đây cũng là không. Ngay trong nhà, có các vật dụng có hình tướng và những chỗ trống không hình tướng. Rõ ràng ngay trong cái có, có cái không sẵn. Cái không đối với cái có gọi là tướng Không. Tánh Không, tướng Không ở sẵn trong tất cả mọi sự vật.
Nói đến con người chúng ta, nếu lỗ mũi không trống thì chắc không thở được. Lỗ mũi trống rỗng mới hít thở được, lỗ tai trống mới nghe được, miệng trống mới ăn cơm được. Vậy trong con người có cái không không? Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Cho nên không tách rời ra được. Như vậy cái không không rời cái có, cái có cũng không rời cái không. Song cái có thuộc về sanh diệt, còn cái không thì không sanh diệt. Đáng tiếc chúng ta chỉ biết cái có, bảo vệ gìn giữ nó tức là bảo vệ gìn giữ cái sanh diệt. Còn cái Không không sanh diệt thì không biết gì hết. Vì vậy Phật gọi chúng sanh sống trong mê lầm.
Hỏi thân người thật hay giả thì trăm người nói thật. Có phải thật không? Nếu thật thì không chết, mà chết thì không thật. Nhưng trăm người đều nói thật. Cái giả mà ngỡ là thật, có phải mê lầm chăng? Từ cái nhà, con người, cho tới muôn vật giữa cuộc đời này, những gì có tướng đều là duyên hợp, mà duyên hợp đều hư giả. Lẽ thật là như vậy. Người thấy được như vậy là thấy bằng trí tuệ. Trí tuệ cứu kính cùng tột, không gì có thể so sánh nổi.
Con người thì ngũ uẩn đều không, sự vật tứ đại cũng không.(trong kinh Bát Nhã có nói đến ngũ uẫn. Muốn biết chi tiết hơn xin xem kinh Bát Nhã. Sắc là tất cả những gì ta nhận biết được, Thọ:tiếp xúc nhận lấy,Tưởng: nghĩ đến cái vừa thọ, Hành: tư tưởng hoạt động liên tục phân tích cái vừa thọ và tưởng, Thức: nhận định và ghi nhớ chuỗi thọ-tưởng-hành đúc kết làm thành kinh nghiệm.Nhưng nếu như ta đã biết tấm thân xác thịt này là giả thì Thọ-Tưởng-Hành-Thức; là những thứ nương nhờ thân; đương nhiên cũng là không thật. Cũng như khi tỉnh giấc mơ ta biết ngay những cảnh trong mơ là không có thật vì chúng nương theo giấc mơ.-TM) Thế nên biết không vật nào trên thế gian có hình có tướng mà chẳng phải Tánh không. Từ cái không có sẵn dựng thành có, đó là Tánh không. Có vật nào, trong ruột nó không trống không? Như cái cây có những khoảng hở trống mới hút nước lên được, không có thì làm sao hút nước? Cái gì cũng có khoảng hở trống, nằm sẵn bên trong và bao phủ bên ngoài. Muôn sự muôn vật trước không, rồi sau hoại cũng thành không. Như vậy cái không là nguồn gốc của muôn pháp.
Dùng Trí tuệ Bát-nhã nhìn tường tận các pháp, tự tánh nó là không, duyên hợp giả có, hết duyên nó hoại trở thành không (cái bàn hết duyên nên tan rã thành nhiều bộ phận khác nhau công dụng khác nhau hoặc bị mục bị đốt mà trở về không .-TM). Trước không, sau không, khoảng giữa cũng không, cái không trùm hết, cái có chỉ là giả tướng tạm bợ. Với con mắt thường thấy giả tướng lầm cho là thật, còn cái không lại không biết gì hết. Nếu bảo cái không là thật, cái có là giả thì thiên hạ nói mình điên. Nên chỗ đó rất khó nói vậy!
[Ngoài ra, nhìn theo góc độ vật lý ta thấy tất cả vật chất đều hình thành từ những nguyên tử. Mà khoảng trống (KHÔNG) trong nguyên tử thì rất lớn so với các electron và proton (CÓ). Một khía cạnh khác trong vật lý hạt là các hạt cơ bản (tạm coi là nhỏ nhất hiện nay theo khoa học phát hiện) tạo nên các electron và proton vừa có dạng hạt vật chất(SẮC), vừa có dạng sóng phi vật chất(KHÔNG). Đồng thời chúng lại xuất  hiện và biến mất liên tục mà khoa vật lý hiện nay vẫn chưa tìm được quy luật “hiện và mất”(Có và Không) của chúng. Vậy chẳng phải “ Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc” thì là gì? Cho nên ở đây HT Thanh Từ nói về tướng Không và tướng Có ( là nói về Dụng), dễ hiểu hơn cho tất cả mọi người. Còn Đức Phật nói về Tánh: Không và Có đồng thời (là nói về Thể) nên khó hiểu hơn. Theo thiển ý, Thiền định đã đưa Đức Phật thăng hoa lên Bậc Toàn Giác nên biết hết bản chất của vũ trụ mà nói như vậy. Nhưng với người thường dù biết hết bản chất của vũ trụ cũng không hẵn thoát cái Khổ- Sinh, Lão, Bệnh, Tử- nếu không đứng ngoài bản chất đó. Bởi bản chất của vũ trụ cũng phải theo quy luật Duyên-Hợp-Sinh-Diệt. Bài viết này của HT Thanh Từ mà kết hợp với sách “Lưới trời ai dệt” của Nguyễn Tường Bách thì rất tuyệt-tôi cũng đã chú giải. Cho nên có thể nói nếu chỉ liễu nghĩa-hiểu rốt ráo về nghĩa- cũng không đạt giải thoát (Đắc Đạo) được mà chỉ giúp quyết tâm và vững tâm tu mà thôi. Phải hành một pháp môn nào đó đến chổ rốt ráo  thì mới mong đạt sự giải thoát – đứng ngoài bản chất của vũ trụ. Ý này tôi đã đọc ở đâu đó mà chưa hiểu chưa tin, nay thì tôi tin vì đã hiểu. Tuy nhiên với những ai không tu như chúng ta đây chẳng hạn mà tới được điểm này cũng là rất tuyệt cho bản thân.-TM]
(Nói thêm cho dễ hiểu hơn - tôi nghĩ vậy, tuy có thể dư - cũng như khi các bạn học Anh văn. Cho dù giỏi như người Anh thì các bạn vẫn không phải người Anh , nếu như các bạn không chết đi và đầu thai làm người Anh...hihi. Trong Phật giáo có câu chuyện minh họa về vấn đề này: con cá thấy con rùa thường hay lên trên mặt đất rong chơi. Nó tò mò hỏi trên cạn có những thứ gì kể cho nó nghe với, con rùa kể lể chi li và đưa ra nhiều hình ảnh tương đương có thể có ở dưới nước . Dĩ nhiên con cá không thể hiểu nỗi. Nhưng giả sử con cá dù thông minh đến mức có thể hiểu và hình dung trên cạn ra sao nhưng vẫn không thực tế biết trên cạn ra sao nếu nó không “hóa rồng”-cá hóa long-  để lên mặt đất. Chính vì chổ này mà Đức Phật khuyến tu.-TM)
Nếu biết thân giả dối thì những thứ chung quanh như được mất, hơn thua, phải quấy có giá trị không? Gốc đã không thật thì mọi thứ chung quanh làm sao thật được. Vậy mà ai nói hơn một tiếng mình cãi ầm lên, mới thấy chúng ta tu trong cái mê lầm. Bởi tu trong mê lầm nên than tu khó quá, cứ gặp chướng này, chướng nọ. Do vậy Phật mới dạy “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, chỉ cần thấy thân năm uẩn này không thật thì khổ ách nào cũng qua hết. Câu nói đó là một chân lý, chúng ta tụng thì tụng mà không thấy được chân lý.
Bởi thấy thân này thật nên cái gì được mình vui, cái gì mất mình buồn, cái gì thịnh mình thích, cái gì suy mình không thích. Quả thật chúng ta đang bị quay cuồng trong cái giả dối đó. Thí dụ một thầy ở Trúc Lâm ra chợ, người ta xầm xì ông thầy xấu quá, về buồn không? Rồi cũng thầy ở đây ra chợ, người ta khen đẹp quá, về vui không? Tướng đẹp, tướng xấu là tướng hư giả, khen chê là trò chơi, không có giá trị gì hết mà chúng ta lại lệ thuộc vào nó nên khó tu. Bây giờ biết rõ lẽ thật như vậy, việc tu dễ hay khó? Nên biết việc tu hành không vững chắc gốc từ si mê mà ra. Nếu chúng ta không dẹp, không dứt bỏ được thì rất khó tu. Huynh đệ xử sự nhau gặp vui buồn gì đó, liền thối Bồ-đề tâm.
Đối với con mắt Trí tuệ Bát-nhã, tất cả mọi thứ trên thế gian đều là trò chơi, chúng không có giá trị gì. Thấy cho tột cùng thì sự sống chỉ là tạm bợ, không bảo đảm tới đâu hết, ngày nào còn mừng ngày đó. Nó giả dối như vậy mà mình không biết, cứ ngỡ nó quí, nó đẹp, nó sang trọng đủ thứ. Từ mê lầm về thân rồi mê lầm luôn tất cả những thứ chung quanh thân. Như vậy cả một cuộc đời mê lầm. Tuy hình thức xuất gia mà nội tâm không hơn gì người thế tục. Nên nhớ chúng ta đi tu là để thức tỉnh, để giác ngộ chớ không phải để mê lầm. Cho nên người xuất gia phải tỉnh, không được mê lầm như người thế tục. Đã xuất gia rồi mà vẫn tiếp tục mê lầm thì đời tu sẽ đi về đâu? Chắc là vào cửa sanh tử, mất nơi này tiếp tục chui vào nơi khác, không biết bao giờ ra khỏi dòng sanh tử?
Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ tột cùng thấy đúng lẽ thật, nhưng chúng ta ít khi nào nhìn đúng với Trí tuệ Bát-nhã. Nếu không có Trí tuệ Bát-nhã thì chưa bước vào được ngưỡng cửa nhà Thiền. Quí vị nhớ! Ví dụ người nói mình tu thiền, mà thấy cô gái đẹp mỉm cười với mình thì vướng mắc liền; hoặc ai sỉ nhục, mình thấy đau khổ quá liền thối tâm, đó là người chưa thông, chưa thấu suốt được Trí tuệ Bát-nhã. Cho nên chúng ta tu phải tận dụng Trí tuệ Bát-nhã cho tới cùng tột, chớ không được thấy hay nghe ở ngoài tai thôi. Phải đi sâu, phải thấu suốt được trí tuệ chân thật, vì chỉ có trí tuệ đó mới có thể đưa chúng ta tới chỗ giác ngộ viên mãn. Cho nên trong kinh Bát-nhã, Phật nói “tam thế chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”, nghĩa là ba đời chư Phật đều y cứ Trí tuệ Bát-nhã này mà được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Chúng ta tu nếu không sử dụng Trí tuệ Bát-nhã sẽ gặp rất nhiều thứ chướng ở trong cũng như chướng ở ngoài. Chướng ở trong là thân bệnh hoạn sanh chướng. Do thấy thân thật nên bệnh hoạn ta buồn khổ. Chướng ở ngoài là gặp nghịch cảnh hoặc ai xử sự với mình không tốt thì sanh chướng. Khi ta tu thấy tướng lạ, có người bảo đó là ma quỉ phá mình cũng chướng. Nếu tận dụng trí Bát-nhã thì thấy thân không thật, những gì có tướng đều không thật. Tất cả đã không thật thì có gì phá chúng ta được đâu. Thấy chúng chỉ cười chơi thôi, vì biết rõ nó giả dối.
Thân đau đến chết là cùng chớ có gì quan trọng, nó là không mà. Đã là không thì thêm cũng chỉ thêm một ít thời gian cho cái không đó thôi, chớ có gì quan trọng. Ngược lại, nếu thấy thân thật, vừa động tới nó là thấy quan trọng liền.(Ở đây, có điểm cần nói rỏ là tâm không xao động vì bệnh chớ không phải là không chịu chữa bệnh. Vì khi chưa đắc đạo thì cái thân huyễn này -huyễn: có mà không thật-  cũng cần bảo trì, vì nó là phương tiện giúp ta đi đến Đạo, cũng như khi chưa đến nơi thì cái xe phải được bảo trì, chớ nếu xe hư hỏng làm sao đi đến đích.Tìm cách chữa bệnh cho thân khác với lo buồn vì thân bệnh.Nhiều người vừa tìm cách chữa bệnh vừa lo buồn cho bệnh của mình.HT Thanh Từ phê phán điều đó.-TM) Đang tu mà bị bệnh hoặc bên ngoài phá phách thì thối Bồ-đề tâm, tu không được. Nhất là những vị nỗ lực, cố gắng tu cho thành công, càng nỗ lực càng thấy chướng. Tại sao? Vì cố gắng quá sức mà theo không kịp với chí nguyện của mình, rồi ngã bệnh, sanh ra cái này cái nọ, phát hoảng lên. Đó là sai lầm. (một khía cạnh khác nữa: quá mong muốn đắc Đạo là tâm bị “động” rồi, là  chân tâm bị biến thành vọng tâm rồi. Có vẻ khó hiểu, nhưng các bạn hãy đọc tiếp đoạn dưới đây  HT bàn về Tâm chân và Tâm sinh diệt thì hiểu.-TM). Cho nên thấy thân không thật thì tất cả đều không thật. Mọi thứ đã không thật, mình sợ là sợ cái gì? Hiểu như vậy, thấy như vậy thì việc tu không chướng, nhờ không chướng nên tu mới tới nơi tới chốn. Người thấu triệt được lý Bát-nhã thì cười hoài. Có gì đâu, mình đã là không thật, thì mọi thứ đối với mình cũng toàn không thật, đùa chơi cho vui thôi. Vì vậy đi tới đi lui cười hoài, không thèm kềm giữ gì hết.(cái cười ở đây là cười trong không gian tu hành. Không phải cái cười bát nháo như ngoài xã hội đâu nha các bạn!Nên nhớ bài này là HT giảng dạy trong chùa cho tu sĩ. HT nói nhủ vầy là để phân tích 2 trạng thái tu đã được An. An không Lạc và An + Lạc –nôm na là vui-TM)
Sở dĩ chúng ta sợ cảnh bên ngoài, âm thanh bên ngoài là vì thấy cảnh thật, âm thanh thật. Bây giờ thấy cảnh giả dối, âm thanh giả dối, qua rồi mất thì không còn chướng nữa. Việc tu không bị chướng nhờ trí tuệ vững, thấy được lẽ thật. Ngược lại, tu mà sanh đủ thứ bệnh tật, đủ thứ sợ sệt là vì còn thấy thân thật, còn đam mê. Thấy thân thật thì mọi cảnh đều thật hết. Một chùm mê kéo theo nhau, dĩ nhiên phải sanh chuyện này, chuyện nọ.
Cho nên chủ yếu là chúng ta phải tận dụng Trí tuệ Bát-nhã. Tận dụng không có nghĩa là tụng hết bài Bát-nhã, mà phải ứng dụng lý Bát-nhã vào cuộc sống, vào sự tu. Lúc nào mình cũng nhìn mọi vật chung quanh bằng Trí tuệ Bát-nhã, nhất định không có cái gì phá phách, dụ dỗ ta được. Còn nếu chúng ta dùng con mắt phàm tục, mê lầm tức nhiên việc tu gặp khó khăn. Đó là chỗ rất thiết yếu. Vì vậy người muốn vào cửa Thiền phải đi bằng Trí tuệ Bát-nhã, nhất định không nghi ngờ gì cả. Dù ai ngồi thiền có hào quang, muốn bay lên hư không cũng được, nhưng không có Trí tuệ Bát-nhã thì vẫn bị kẹt như thường. Cho nên dùng Trí tuệ Bát-nhã vào việc tu thì tất cả đều bình thường, an ổn.
Trong Bát-nhã nói năm uẩn, sáu trần cho tới Mười hai nhân duyên, Tứ đế cũng không thật ( 12 nhân duyên, Tứ đế là các lý thuyết của Phật giáo giải thích mọi hiện tượng của tự nhiên theo nhiều góc độ khác nhau, đồng thời cũng là phương pháp tu tập.-TM). Nghe như vậy hiểu sao được? Thân này không thật là phải, còn chánh pháp của Phật cũng không thật nữa sao? Phật nói thế nghĩa là tất cả các pháp đều là phương tiện giả lập để chỉ dạy, hướng dẫn chúng ta tu tập nên cũng không thật. Như mê thì dùng từ giác để đánh thức, nếu hết mê rồi giác cũng phải bỏ đi. Tất cả vì chúng sanh mê lầm nên Phật mới dùng pháp Tứ đế, Mười hai nhân duyên, Lục độ… để giáo hóa. Nếu tất cả chúng ta không còn mê lầm thì những pháp ấy đâu cần dùng nữa. Nhiều người đọc kinh Bát-nhã ngạc nhiên, nói ngũ uẩn không thì phải, còn pháp của Phật là chân lý, tại sao cũng nói không? Phật nói thế để chúng ta biết tất cả pháp Ngài lập nên nhằm diệt trừ sự si mê của chúng sanh, tất cả đều là pháp đối đãi nên không thật. Như mê thì lấy giác đánh thức, tham thì lấy bố thí, nóng giận thì lấy từ bi… để trị. Khi bệnh lành thì pháp cũng phải bỏ, chỉ tạm dùng để đối trị thôi, chớ không có pháp thật. Thấy tột như vậy mới không chấp ngã, chấp pháp. (cũng như nếu không có ai bị bệnh thì thầy thuốc chúng ta là kẻ vô dụng thôi. Lúc bấy giờ thầy thuốc cũng phải ra ruộng cày bừa mà ăn, làm sao ngồi trong mát mà có ăn được?!!Hihihi.Cho nên không có người bệnh thì không có thầy thuốc. Nghề thầy thuốc được lập ra là để trị bệnh cho người bệnh. Cho nên không còn ai bệnh thì nghề thầy thuốc lập tức tự dẹp. Nè, nói vậy rồi đừng vì miếng ăn mà mong mọi người có bệnh nghe các bạn. Mạng còn thì lộc phải còn, duyên chưa dứt thì cái gì đến sẽ đến.Hết duyên rồi thì có mong cũng chẳng được.Hihihi-TM)
Đa số người tu bây giờ không chấp ngã thì chấp pháp. Pháp mình tu là số một, pháp kia là số hai, số ba. Đôi khi vì pháp tu mà mạt sát lẫn nhau. Đâu biết pháp là phương tiện để giúp chúng ta đi tới cứu kính, chớ pháp không phải để so sánh hơn thua. Chúng ta tu phải thấy tột cùng lẽ thật mới không còn chấp, không còn khổ. Có cái gì thật đâu mà khổ? Giả sử ai đó nổi giận chửi mình, ta biết rõ mình không thật thì lời chửi cũng không thật, có gì khổ? Đằng này, nếu thấy mình thật, lời chửi thật, bị người ta chửi liền xách gói đi. Đó là chướng. Chướng vì thấy mình thật, thấy lời chửi thật. Thế là mê. Tại mê nên chướng, hết mê thì hết chướng. Phật dạy “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” là vậy. Qua tất cả khổ ách vì mình không còn thấy có một pháp thật. Như vậy trí tuệ là con đường đưa chúng ta tới giác ngộ. Nếu không có trí tuệ, không bao giờ được giác ngộ.
Nếu nói cái gì cũng không hết, vậy tu rồi chúng ta còn gì? Đó là một vấn đề. Trong Thiền sử ghi, ngày xưa có một cư sĩ đến hỏi Thiền sư:
·         Bạch Hòa thượng, Ngài được bao nhiêu tuổi?
Thiền sư trả lời:
·         Tôi bằng tuổi với hư không.
Cư sĩ hỏi:
·         Hư không bao nhiêu tuổi?
Thiền sư trả lời:
·         Hư không bằng tuổi với tôi.
Quí vị nghĩ sao? Hòa thượng có lẫn chưa? Ngài đã trả lời để thấy rằng hư không bất sanh bất diệt, cái gì bất sanh bất diệt thì nó là thật. Ngài thấy được Thể chân thật của mình rồi thì bất sanh bất diệt, nên nói đồng tuổi với hư không.(Thể Chân Thật ở đây ý nói thân của Thiền sư vốn từ hư không mà thành nên thân cũng đồng với hư không, tuổi của hư không bao nhiêu thì thân cũng bấy nhiêu tuổi.-TM)
Để đi thẳng vào chỗ tu hành, tôi nhắc lại ngoài thân và tâm sanh diệt, chúng ta còn gì nữa không? Ngay thân này ai cũng biết là thân sanh diệt, còn tâm suy nghĩ hơn thua, phải quấy, tốt xấu là tâm sanh diệt. Hiện giờ mình đang sống với thân và tâm sanh diệt, nên hướng đi của chúng ta là con đường sanh tử liên tục. Vì tâm sanh diệt luôn luôn tạo nghiệp sanh diệt. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử, thì đừng chấp thân sanh diệt là quan trọng, tức thấy thân tứ đại không thật. Đừng chấp tâm sanh diệt là quan trọng, tức bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức không thật. Không kẹt nơi hai thứ chấp ấy, chúng ta mới qua khỏi mé sanh tử. (Yếu lý là ở chổ này. Khi thấy được như vậy thì chẳng cần là anh hùng hào kiệt gì chúng ta vẫn coi thường cái chết.Chẳng quan tâm chết già hay chết trẻ. Dĩ nhiên không phải chết bằng cách tự sát hay vì những vô duyên ngớ ngẩn của mình. Sống thì sống, chết thì chết, chẳng có gì quan trọng mà bận tâm.TM)
Như vậy ngoài thân tâm sanh diệt này, chúng ta còn cái gì nữa? Nó ở đâu, chỉ được không? Được chớ, cái thật đó ở ngay nơi sáu căn. Mắt đối cảnh liền thấy, nếu chúng ta thấy mà không khởi niệm nào, đó là cái thấy của mình. Nếu có niệm tiếp theo thì cái thấy ban đầu mất đi. Lỗ tai nghe tiếng chỉ nghe thôi, đừng khởi niệm nào tiếp theo thì cái nghe đó là thật mình. Rồi ngửi, nếm… sáu căn không thiếu vắng lúc nào hết, nhưng vừa tiếp xúc với sáu trần liền khởi động niệm thì cái thật nhảy qua mất, do đó chúng ta không sống được với cái thật.(Yếu lý là ở chổ này.Cũng như có khi lần đầu nhìn thấy một người, chúng ta bỗng có cảm giác người này thế này thế nọ chỉ vì hình dáng,nét mặt,  cách nói năng hay động tác của họ. Sau  một thời gian tiếp xúc va chạm dữ dội ta mới nhìn rõ được bản chất và tính tình của người ta. Lúc đó mới biết nhận định của mình là sai.Cho nên nhìn thấy mà không nhận định gì cả mới là thái độ đúng nhất.-TM)
Quí vị xét thật kỹ những giờ phút chúng ta ngồi thiền được năm mười phút không có niệm nào chen vào mà vẫn tỉnh sáng, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe… thì năm mười phút đó mình sống với cái gì? Cái đó sẵn rồi, khi không có niệm sanh diệt lấn át, phủ che thì cái thật ấy hiện tiền. Như vậy cái biết trong khi mình nhìn thấy sự vật mà không có niệm nào, đó là cái biết thật (chân Tâm, không bị ấn tượng quan niệm nhận định nào gây ảnh hưởng.TM). Nếu có niệm dấy theo thì sanh ra phê phán xấu, đẹp… tức rơi vào sanh diệt rồi (là vọng Tâm vì bắt đầu bị ấn tượng quan niệm nhận định gây ảnh hưởng.TM). Nên nhớ cái chân thật bị phủ lấp bởi những niệm sanh diệt. Cho nên chúng ta tu là dẹp bỏ các niệm sanh diệt phủ lấp. Ngồi thiền cứ ngồi yên tĩnh sáng suốt, vừa có niệm dấy lên liền bỏ, đó là dẹp cái phủ lấp. Khi thấy cảnh cứ thấy thôi, vừa dấy niệm liền bỏ, đó là dẹp bỏ cái phủ lấp. Dẹp hết cái phủ lấp sanh diệt, thì cái chân thật bất sanh bất diệt hiện bày.
Trong quá trình tu tập, chúng ta nên nhận ra mình có hai thứ tâm: tâm sanh diệt và tâm không sanh diệt. Tâm sanh diệt là vọng, tâm không sanh diệt là chân. Tâm là cái biết. Thấy biết là tâm chân, nghe biết là tâm chân, nhưng nếu thêm cái suy nghĩ vào thì qua tâm sanh diệt mất. Hiện giờ chúng ta đang có cái thật, nó hiện hữu mà không động, không bóng dáng, không sanh diệt. Cái không động không sanh diệt, có giống hư không chăng? Như hư không, vì hư không không tướng mạo, không sanh diệt, hư không không động nên không sanh diệt. Vì vậy không có thời gian nào để nói tới ngày cùng của hư không. Chúng ta sống được với cái chân thật thì cũng không thời gian cùng tận, cho nên nhà Phật dùng từ nhập Niết bàn. Niết-bàn là vô sanh, tức bước vào chỗ không còn sanh tử nữa, gọi là giải thoát sanh tử.( cho nên chúng ta thường nghe nói « Niết Bàn tại thế ».Vì liễu nghĩa được lý Bát Nhã và sống được với tinh thần đó .TM)
Quí vị xét cho thật kỹ sự tu của mình, từ khi bước vào cửa thì dùng trí tuệ dẹp tất cả những thứ phủ lấp cái thật của mình. Dẹp rất dễ khi biết nó là giả. Nhờ Trí tuệ Bát-nhã chúng ta biết tất cả niệm khởi hư giả không theo, mọi thứ vọng niệm dấy lên biết nó là hư giả, không quan tâm. Như ta đang ngồi thiền, chiếc đồng hồ treo trên tường bị người ta gỡ lấy, lúc đó mình ngồi yên không? Chẳng những không yên mà còn động nữa, động vì mất cái mình thích. Bây giờ biết thân còn không thật, đồng hồ đó thật sao mà sợ mất? Nắm chắc như vậy rồi, cứ sống với cái thật phút nào quí phút ấy, chớ đừng nặng hình tướng sanh diệt. Như vậy việc tu rất tốt, được kết quả đúng như sở nguyện. Nếu không thế, tu lếu lếu thì trở lại mấy trăm lần không biết! Bây giờ đa số người tu có bệnh tu gieo nhân thôi để đời sau tiếp tục, chớ không quyết liệt tu để ra khỏi sanh tử. ( vì còn mơ hồ chưa liễu nghĩa Bát Nhã nên chưa quyết tâm được.- TM)
Chúng ta biết rõ mình có Tâm chân thật. Tâm đó là cái biết, cái biết thật không sanh không diệt của chính mình. Biết được như vậy, sống được như vậy là đồng tuổi với hư không. Đồng tuổi hư không tức là Niết-bàn, là vô sanh. Ngược lại, chúng ta sống với tâm sanh diệt, so đo phân biệt thì đồng tuổi với phàm phu. Họ chết, mình chết chớ không hơn tí nào hết. Những điều siêu thoát chúng ta không nắm vững, cứ nghĩ tu tạo duyên để có phước, có đức, đời sau tốt hơn thôi. Tu như vậy là vẫn nối tiếp mãi trong dòng luân hồi.
Chúng ta biết các vị Tổ tu không phải một đời mà nhiều đời, nhưng nhiều đời đó không do niệm đuổi theo ngũ dục, mà phần lớn các ngài trở lại vì nguyện. Như ngài A-Nan phát nguyện trong bài kệ kinh Lăng Nghiêm: “Như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn”, nghĩa là nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, con nguyện không vào Niết-bàn. Người thế gian trở đi, trở lại là vì nghiệp dẫn. Còn người tu làm chủ được nghiệp rồi, các ngài có trở đi trở lại là do lòng từ bi khởi nguyện lực trở lại độ chúng sanh.(ý HT nói là người tu đắc đạo rồi mới làm chủ được nghiệp.TM) Hiểu như vậy chúng ta không lấy làm lạ trên con đường sanh tử. Không phải nói tu để được bằng tuổi hư không, rồi mình ở trong đó hoài, không làm lợi ích cho ai. Người tu hành nhận và sống được chỗ chân thật rồi phải phát nguyện đi vào sanh tử độ chúng sanh. Đó là tâm nguyện cao thượng của người tu. Chuyện tu hành như thế quả thật là quá ư siêu thoát. ( muốn cứu người chết đuối tốt nhất là phải biết bơi.Không biết bơi, ở trên khô quăng dây, quăng phao có khi người ta cũng không nắm được thành ra tốn công vô ích. Biết bơi mà không chịu nhảy xuống nước để cứu người thì học bơi cũng vô dụng. Nhiều bạn cho rằng cần gì tu. Sống hữu ích cho đời là tu rồi. Tôi xin lấy thí dụ trên để biện minh. Dĩ nhiên tu tại gia hay xuất gia thì tùy hoàn cảnh.TM)
Nhưng người tu bây giờ hơi yếu ớt, hơi trì trệ. Chúng ta phải nắm vững đường tu, phát nguyện mãnh liệt tiến tới, thì ra ngoài sanh tử không khó, vì cái không sanh tử mình đã có. Nếu quí vị chịu khó đọc hết những kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn đều nói tất cả chúng sanh có sẵn cái chân thật ấy, chỉ vì chúng ta không can đảm nhận. Chớ còn can đảm nhận thì nó đã sẵn nơi mình, không xa xôi gì hết. Vì vậy mong rằng tất cả chúng ta đừng ngờ vực. Trên đường tu phải cương quyết đi cho đến nơi đến chốn. Đời này chưa đủ đạo lực để vượt qua, thì đời sau tiếp tục đi cho tới nơi.
Chúng ta hiện nay dù không hoàn toàn thấy thân này là giả, mà biết nó vô thường, tạm bợ, tức cũng nhận được phần nào. Cảnh cũng vậy, chúng ta biết nó vô thường, tạm bợ, không phải thật. Biết được thế là chúng ta đi trên đường tối nhưng cũng có ánh sáng loe lóe của một hai con đom đóm. Đó là bước đi rất thiết yếu của người tu. Cho nên làm sao phải thấm, phải hiểu sâu lý Bát-nhã mới được, nếu không thấm, không hiểu sâu lý Bát-nhã thì khó ra khỏi sanh tử.(chưa thấm sâu lý Bát Nhã thì chưa thoát được tâm lý ham sống sợ chết, ham khỏe sợ bệnh, ham sướng sợ khổ thì Tâm không thể an lạc. Không an lạc thì khổ là tất nhiên. Lạc là cái vui của người ngộ đạo, nhẹ nhàng thơi thới không có cường độ như vui của đời thường, như vui vì trúng số độc đắc chẳng hạn, vui hơn là trúng số vài trăm ngàn. Người ngộ đạo thấy Lạc chớ không thấy vui nên không thấy buồn. TM).
Trong kinh Bát-nhã nói tất cả các pháp đều hư dối không thật. Biết như vậy, thấy như vậy thì Bồ tát đi tới chỗ viên mãn, chư Phật cũng từ đó mà thành tựu đạo quả. Chúng ta đi trên con đường giác ngộ, bước đầu phải là Trí tuệ Bát-nhã. Thấy bằng Trí tuệ Bát-nhã là giác, ngược lại là mê. Từ đây về sau, lúc nào quí vị cũng thấy thân này không thật thì trí Bát-nhã thấm rồi. Còn thấy thật, thấy đẹp thấy xấu thì chưa thấm. Nếu chưa thấm thì thế trần dễ làm tâm mình ô nhiễm. Người thấm được trí Bát-nhã rồi tự mình thoát, tự mình gỡ ra không khó khăn gì hết. Thật ra trên đường tu rất khó, mà cũng rất dễ. Khó với người không có Trí tuệ Bát-nhã, nhưng dễ với người có Trí tuệ Bát-nhã. Cho nên nhiều vị tu như chơi vậy, còn nhiều vị tu rất khó khăn, khổ sở, việc này tùy chỗ sử dụng trí tuệ của từng người.
Nếu chúng ta nhìn mình, nhìn người, nhìn mọi vật đều thấy tạm bợ, hư dối, huyễn hóa thì có gì làm phiền mình không? Sống trong cuộc đời ảo mộng nên đùa với mộng chơi mà thôi, có gì quan trọng. Tôi thường hay nhắc câu chuyện của một vị Tăng thế này. Khi thầy vào Thiền đường, nói chuyện cười lớn tiếng. Ông Tri sự bực mình lên bạch với Hòa thượng:
·         Bạch Hòa thượng, có ông thầy mới tới nói chuyện lớn tiếng làm ồn chúng.
Hòa thượng cho người kêu vị Tăng mới tới, hỏi:
·         Nghe nói ông tới đây làm ồn chúng, có phải vậy không?
Vị Tăng đáp:
·         Dạ phải.
Hòa thượng hỏi:
·         Tại sao ông làm như vậy?
Vị Tăng đáp:
·         Bạch Hòa thượng, đã là mộng thì con muốn mộng vui chớ không muốn mộng buồn.
Hòa thượng nghe nói cũng cười huề. Vì vậy những người thấy được lẽ thật phải cho người ta vui chứ, chẳng lẽ cứ ngó xuống quạu đeo. Chỉ những ai tu không thấy lẽ thật mới đăm đăm như quạu, nhiều khi bực bội nữa.(dĩ nhiên ở đây các bạn cũng phải thấy tính đối đãi của vui buồn, chứ đã là mộng thì muốn vui hay không muốn buồn có gì đâu mà cần quan tâm? Nhưng về mặt y học thì cái vui giúp thân tốt hơn, đó là phương tiện thôi.-TM) Đã là tu, khi có việc đến với mình thì cứ dùng Trí tuệ Bát-nhã mà phán quyết, không có cái gì thật hết, mọi việc sẽ qua, không sợ nguy hiểm. Chỉ khi ta tưởng nó thật thì có sợ, có nguy hiểm. Đó là lẽ thật mà chúng ta phải ứng dụng tu tập.
Trên đường tu ứng dụng được lẽ thật rồi thì mọi việc đều thành công dễ dàng. Đừng tu mà ôm ấp mê lầm, chấp phải chấp quấy rồi buồn phiền nhau, không hay tí nào hết. Như vậy là còn sơ đẳng quá chưa phải người thật biết đạo đức. Người thật biết đạo đức là vượt qua hết những sự việc tầm thường, thân này còn mất không ra gì, huống nữa là hơn thua phải quấy. Cho nên người tu là người sáng suốt, có Trí tuệ Bát-nhã. Trên thế gian rất nhiều người thông minh, như những kỹ sư, bác học, họ gõ trong đá hoặc dưới đất liền đoán biết chỗ đó có dầu, có đồ quí, thế gian cho đó là những người thông minh tối ưu. Nhưng cái thông minh đó có bằng Trí tuệ Bát-nhã không? Chỉ là thông minh trong đối đãi sanh diệt thôi, vì họ tìm được cái hay quí trong sanh diệt, chớ không tìm được cái siêu thoát vượt ngoài sanh diệt.
Nếu thấy cả thế giới này bằng con mắt Trí tuệ Bát-nhã, không có gì thật cả thì con người có còn giành giật, đấu tranh, sát hại lẫn nhau không? Sở dĩ họ giành giật với nhau vì chỗ nghèo muốn giành chỗ giàu, cái xấu muốn cái tốt… bây giờ chúng ta biết rõ cả thế giới này là tạm bợ, hư dối, nhưng nó lại đang quay cuồng trong hư không, trong cái không bại hoại. Tất cả chúng ta tu cũng vậy, thân này là hình tướng rồi sẽ bại hoại. Tâm sanh diệt là bóng không thật sẽ bại hoại. Ở ngoài thấy sáu trần không thật, bên trong thấy ngũ uẩn không thật. Tất cả căn, trần, uẩn đều không thật hết. Thấy không thật như thế, chúng ta cũng ăn, cũng đi lại, cũng làm việc nhưng cười hay khóc? Không thật thì cười sống vui thôi, có gì đâu phải khổ phải khóc. Nếu thấy có cái thật mà mình mất thì khóc, còn thấy không thật thì có gì để khóc. Kể cả thân này khi bị bệnh, bác sĩ nói bệnh nguy hiểm không qua khỏi, ta nên cười hay nên khóc? Biết thân đã không thật thì mất nó cũng là trò chơi thôi, có gì quan trọng. Đã không quan trọng thì có gì phải khóc? Tuy sống trong Ta-bà khổ mà mình không khổ, nếu không thế chúng ta cứ tiếp tục trôi lăn trong khổ đau.
Khi ngồi thiền, những âm thanh, những tiếng động bên ngoài vọng đến, chúng ta đều biết nó không thật. Bởi không thật nên ta không bực bội, nếu không như thế âm thanh cũng làm mình bực bội, giờ ngồi thiền bị phiền não làm xao lãng việc tu. Biết nó không thật, giả dối, qua rồi mất, giữ nguyên lập trường tu của mình, thì sự tu hành sẽ tiến nhiều. Nên nhớ Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ thấy được lẽ thật từ con người cho tới muôn vật, tất cả đều tạm bợ hư dối, không thật. Nhớ luôn luôn như vậy. Tất cả những gì có tướng, có động đều không thật hết. Chính cái không hình tướng, không động mới là chân thật.
Như ngoài biển, cái dễ nhận nhất là sóng vỗ ầm ầm, kế đến là bọt, rồi nước lên, nước xuống. Nhưng đặt câu hỏi lại, nước biển có sóng không? Nước biển đâu có sóng. Sóng là vì duyên gió nên nổi sóng, chớ nước biển nguyên không có sóng. Nước biển có bọt không? Nước biển cũng không bọt, mà do sóng đánh dập vào nhau nên nổi thành bọt. Nước biển có lên, có xuống không? Cũng không lên không xuống, do quả địa cầu xoay nên có sự xê dịch vậy thôi. Như vậy nước biển không có tất cả những thứ mà chúng ta cho là nó có.(Cũng như bản chất của cái ly, cái lọ hoa, cái gương…đều do thủy tinh mà ra, tùy duyên mà biến thành cái này cái nọ-TM)
Cũng vậy Tâm chân thật của chúng ta không có những chuyện vui buồn, thương ghét gì hết. Tại vì chúng ta dấy tâm theo ngoại cảnh, từ đó phát sanh những vui buồn thương ghét. ( đôi khi chúng ta ngồi giữa phố đông đúc,vẫn nghe âm thanh đủ kiểu mà không thấy khó chịu, đó là lúc ta không Thọ tiếng ồn, không Thọ nên không có Tưởng-Hành-Thức tiếp nối. Do đó không có nhận định gì cả. Không nhận định gì nên không có khó chịu hay dễ chịu.Về khía cạnh nghe,lúc đó ta đang sống với Tâm chân thật đó các bạn ơi.TM) Nếu buông hết những niệm chạy theo ngoại cảnh thì tâm sanh diệt lần lần yên lặng. Tâm sanh diệt yên lặng thì chỗ chân thật sẽ hiện ra.(Đây là yếu lý.TM) Nhiều người bảo do có suy nghĩ mới biết phải, biết quấy, biết khôn, biết dại; không cho suy nghĩ lấy gì biết phải quấy, khôn dại. Chừng đó hết biết phải quấy, khôn dại rồi. Đúng vậy! Không còn phải quấy, khôn dại nhưng lại thấy tột lẽ thật (Tuyệt vời.Nhưng các bạn đừng lo, chân tâm đã hiện nhưng  không diệt vọng tâm mà song hành cùng vọng tâm quản lý vọng tâm,giúp chúng ta bớt sai lầm trong cuộc sống thường ngày.Bấy nhiêu cũng quý hóa rồi phải không?Chưa tu mà cũng như tu-TM). Như đức Phật khi đã vào định, tất nhiên những hơn thua phải quấy đâu còn, so đo khôn dại cũng không có, nhờ thế Ngài thấy được lẽ thật. Nên biết lẽ thật chỉ hiện khi tâm ta thanh tịnh.
Tóm lại, cửa ban đầu dùng để quán chiếu là cửa Bát-nhã. Quán chiếu cái này duyên hợp hư giả, cái kia duyên hợp hư giả, tức là còn động nhưng động trong Trí tuệ Bát-nhã. Sau khi cái động của Trí tuệ Bát-nhã qua rồi thì cái chân thật mới hiện ra.(Yếu lý là đây. TM) Chỗ này là chỗ ứng dụng tu chúng ta phải lưu ý, cái chân thật được sáng lên là sau khi Trí tuệ Bát-nhã quét sạch hết những bợn nhơ bên ngoài. Hiểu như vậy mới thấy rõ Bát-nhã là phương tiện đầu, tôi thường ví dụ như kiếm bén chặt hết rừng tre, nó đi đầu để phá dẹp. Cho nên nói tới Bát-nhã là nói tới quán chiếu, chớ không phải nói yên lặng. Nhờ quán chiếu chúng ta mới đi tới bước thứ hai là yên lặng, yên lặng đó là thiền. Do đó cửa Bát-nhã là cửa để đi vào nhà thiền.
(rất hay về mặt lý thuyết lẫn ứng dụng thực hành, vì phải thấy biết, phải hiểu  được cái giả của mọi hiện tượng thì tâm mới hết nhiễu loạn chạy theo ngoại cảnh, khi đã thoát khỏi sự nhiễu loạn thì tâm mới bình, tâm bình thì an lạc được. Cũng như trong cuộc sống, người lớn thường nổi cáu với trẻ con, nếu nhớ biết- tâm đang động- mình đã từng là trẻ con thì trước những hành động khờ dại của chúng, ta dễ dàng thông cảm tha thứ cho chúng, tức khắc tâm bình vậy – tâm hết động. Nhờ đâu người ta hay bỏ qua cho những người say rượu ? Đó là người ta đang tỉnh và biết người say không tỉnh. Ở đây cũng vậy, nhờ dùng Bát Nhã soi xét, khi biết tất cả chỉ là giả dối xuất hiện từ hư không thì làm sao có thể dính mắc vào sự giả dối được nữa. Không dính mắc thì tâm không vọng động, không vọng động ắt tâm bình. Tâm bình thì không bị sai khiến bởi những bức xúc của tình cảm, sự sáng suốt mới lộ diện. -TM)
Khi nào quí vị tu cảm thấy hơi buồn, hơi sợ thì phải làm sao? Phải dùng trí Bát-nhã quán chiếu, quán chiếu mình, quán chiếu người, quán chiếu cảnh không có gì thật hết thì buồn sợ tự mất, niềm vui sẽ tới với mình. Chúng ta nên nhớ sống trong trò ảo mộng không có gì quan trọng, nếu không biết thế lâu lâu chúng ta cũng cảm thấy buồn, hơi trầm trầm buồn. Cho nên sử dụng trí Bát-nhã khi mới bước vào cửa thiền, dùng Bát-nhã phá dẹp hết mọi chướng ngại trên đường tu.
Người tu không được buồn, tại sao? Bởi vì buồn thuộc về tâm bi. Tâm bi thì không có sức mạnh để vươn lên. Vì vậy tu không cho buồn, vừa có buồn liền phải quán chiếu, mượn Trí tuệ Bát-nhã phá tan buồn phiền, để hăng hái vui vẻ tu. Nhất là trong thời gian nhập thất quí vị cần phải cẩn thận hơn, đừng nuôi dưỡng cái buồn. Hiểu và ứng dụng tu đúng thì lợi lạc vô cùng. Nếu không, cứ ngồi yên kềm, kềm riết thành ra đau đầu. Tôi nói thêm cho quí vị hiểu về việc ngồi thiền. Hồi trước nghe các sư Nguyên thủy dạy ngồi thiền, hít vô bụng dưới phình, thở ra xẹp. Phình xẹp, phình xẹp… tôi thấy hơi kỳ kỳ. Nhưng sau này nghiên cứu kỹ tôi thấy được sự lợi ích của nó. Nếu ngồi thiền chỉ thở tới bụng trên thì hơi nhọc, phải thở sâu tới dưới đơn điền. Nghĩa là hít vô tận đơn điền, thở ra sạch. Thay vì nói phình xẹp thì chúng ta nói hít vô đầy, thở ra sạch, từ từ nó sẽ nhẹ dần. Bao giờ nhẹ được thì rất khỏe.
Ngồi thiền quí vị đừng thèm tính cái gì, xét cái gì, quán chiếu cái gì nhiều hết. Chỉ cần niệm dấy lên thì buông. Buông riết nó sẽ nhẹ sẽ hết, chớ đừng đè đừng kềm hoặc quán tưởng cái này cái nọ, dễ sanh bệnh lắm. Biết vọng tưởng không thật thì buông thôi, tu thảnh thơi nhẹ nhàng, đừng cố gắng quá. Cố gắng quá tưởng như hay, nhưng rốt cuộc đi tới kết quả không tốt. Sở dĩ chúng ta đau đầu vì trụ tâm trên trán, bây giờ điều hơi thở xuống tới đơn điền, rồi thở ra sạch thì không bị nóng trên đầu. Nhớ như vậy đó.
(điều này mới đầu không dễ, vất bỏ được hình ảnh ý tưởng này thì hình ảnh ý tưởng khác nhào vô ngay. Nhưng cứ bình tỉnh kiên trì, dần dà các thứ đó thưa dần rồi biến mất hẵn. Bản thân tôi, thuở 16 tuổi có duyên ngồi thiền đến năm 20 tuổi cũng đã được trãi qua kinh nghiệm này. Nhưng vì sau đó phải đi lính. Cuộc sống trong quân đội làm tôi mất thói quen ngồi thiền. Tiếc thay, duyên bị đứt đoạn. Nay, nói lại để các bạn biết mà yên tâm rèn luyện. Ngồi thiền không khó, chỉ cần quyết tâm và kiên trì. Chưa nói đến việc tu hành gì, riêng về mặt đời, ngồi thiền đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích về mặt tinh thần trí tuệ.Về tinh thần thì đức tính bình tỉnh ngày càng lớn mạnh, trí tuệ ngày càng sáng suốt.- Hồi nhỏ tôi rất nóng nảy, cho đến năm 17 tuổi thì tính nóng giãm dần. Đi lính một thời gian, không còn ngồi thiền được, thêm va chạm nhiều, tính sân hận lại trổi dậy. Nếu thiền được liên tục, có lẻ tôi bớt được nhiều oan nghiệt trong đời. Vài lời tâm huyết, mong các bạn chớ bỏ qua.-TM).
Nếu chúng ta tận dụng được Trí tuệ Bát-nhã và tận dụng đường lối tu cho rõ ràng thì sự tu sẽ thành công. Nếu không tận dụng được hai điều đó thì sự tu có thể thất bại. Thất bại thì uổng đi một đời tu của mình. Đó là lời nhắc nhở của tôi với tất cả Tăng Ni.
(Tới đây, tôi hi vọng các bạn bắt đầu cảm nhận được rằng vui-buồn, sướng-khổ, giàu –nghèo, sinh-tử chỉ là huyễn hoặc, là trò chơi của tạo hóa và của chính thân và  tâm mình. Thú thật là hơn 20 năm trước, khoảng  năm 1984 tôi đã có hai bài thơ về  lý này, nhưng tự biết mình chỉ mới cảm nhận chứ chưa thực sống với nó, sống trong nó. Tôi rất khổ tâm và vấn vương mãi mà chưa tìm ra nguyên nhân để giải quyết. Đến nay thì tôi vui rồi và hi vọng chia xẻ được niềm vui này cùng các bạn. Xin chép lại 2 bài thơ đó, ghi dấu quá trình tâm thức của tôi:
SẮC KHÔNG
Đời có gì là vui mà sao lại khóc?
Đời có gì là buồn mà sao vội cười?
Tình có bền như sợi tơ nhện mà sao níu kéo?
Sống có lâu như một sát-na mà sao mong cầu?

THÁI ĐỘ
Vui, ừ.
Buồn, ừ.
Giàu, ừ.
Nghèo, ừ.
Sướng, ừ.
Khổ, ừ.
Sống, ừ.
Chết, ừ.
Sao cũng được.

Đến đây, tôi chợt hiểu ra là : lúc đó tôi chỉ mới biết lý Bát Nhã chớ chưa hiểu nên có bài Sắc Không, vì khổ quá mà sinh lòng bất cần đời nên nảy sinh mấy câu trên trong bài Thái Độ chớ đâu phải là « Ngộ Đạo»!!. Hơn 20 năm ngộ nhận về mình.Hihi
Tuy nhiên, hiểu được lý « Sắc-Không » của Bát Nhã mà không ghi nhớ rèn luyện cho trở thành phản xạ thì cũng thoái hóa sau một thời gian. Cũng như khi tập đi xe đạp hay tập bơi. Nếu mới biết chập chửng mà bỏ lơ thì sau một thời gian sẽ mất khả năng đó. Muốn biết phải tập lại từ đầu Chỉ khi nào các khả năng đó trở thành phản xạ thì mới không quên nữa. Tất cả chúng ta cần lưu ý điểm này-tui cũng vậy…hihi. Tạ Minh. Sài Gòn 27-06-2006.)